BẦU ĐỨC XUẤT CHUỐI VÀO HÀN QUỐC, NHẬT BẢN

Loại chuối chinh phục thị trường khó tính Hàn Quốc, Nhật Bản được trồng ở độ cao 700-1.000 m tại Gia Lai và Lào, có hương vị đặc biệt, 12 tháng một vụ.

Trao đổi với nhà đầu tư bên lề đại hội cổ đông Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới đây, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, việc chuối của công ty được thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản chấp nhận ban đầu chỉ là thử nghiệm, nhưng tình cờ được nước bạn ưa chuộng.

Với thị trường Hàn Quốc, công ty xuất loại chuối trồng tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, có độ cao 700m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu mát lạnh, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Chuối trồng ở địa phương này có độ ngọt và thơm hơn so với sản phẩm cùng loại. Thời gian trồng lâu hơn so với cùng một loại giống trồng ở đồng bằng. Ví dụ, loại chuối trồng đại trà mất 9 tháng thu hoạch thì loại chuối ở độ cao này phải đến 12 tháng, bù lại chất lượng cao hơn.

Trong khi đó, loại chuối HAGL xuất sang Nhật Bản được trồng ở cao nguyên Bolaven, Lào, vùng đất có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Tương tự như tại Lơ Pang, chuối tại Bolaven cũng có hương vị đặc biệt, thơm ngon hơn các sản phẩm cùng loại ở vùng đất thấp hơn và thời gian thu hoạch cũng dài hơn (một năm một vụ).

Bầu Đức cho biết, trong tổng số 15.000 ha chuối được công ty mẹ (HAG) và công ty con (HNG) quy hoạch trồng trải dài từ Việt Nam, Lào, Campuchia, tổng diện tích trồng chuối tại Lơ Pang và Bolaven chỉ gói gọn ở quy mô 1.000 ha. Do đó, sản lượng loại chuối này ít hơn các sản phẩm xuất vào thị trường Trung Quốc.

Chuối trồng tại Lơ Pang, Gia Lai được quảng bá tại hệ thống bán lẻ của Hàn Quốc. Ảnh: L.M
Chuối trồng tại Lơ Pang, Gia Lai được quảng bá tại hệ thống bán lẻ của Hàn Quốc. Ảnh: L.M

Từ chối chia sẻ về giá chuối xuất vào Nhật và Hàn, ông Đức chỉ xác nhận giá bán cho 2 thị trường khó tính này cao hơn rất nhiều so với xuất vào Trung Quốc. Ngoài ra, mức giá còn được ổn định quanh năm, không bị dao động theo mùa như thị trường Trung Quốc (rẻ vào mùa hè và đắt vào mùa đông).

Các khách hàng Nhật, Hàn đi khảo sát và ưa thích loại chuối này nên có bao nhiêu thì họ đặt hàng hết. “Ban đầu công ty chỉ thử nghiệm nhưng hiện giờ các thị trường khó tính đã chấp nhận. Chúng tôi không cung cấp thông tin gì ra ngoài cho sản phẩm này vì diện tích trồng không nhiều. Song do khách hàng ưa thích nên đã tự quảng bá tại các hệ thống bán lẻ của họ”, Bầu Đức cho hay.

Trả lời câu hỏi của cổ đông và nhà đầu tư về kế hoạch gia tăng diện tích trồng chuối để xuất sang Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Đức nói diện tích trồng trọt ở Lơ Pang và Bolaven là hữu hạn. Nếu nhu cầu của Nhật và Hàn tăng cao thì cũng không có thêm để bán.

Chủ tịch HAGl cho biết thêm, tất cả nông sản công ty xuất vào các thị trường nước ngoài đều theo đường chính ngạch, không đi theo đường tiểu ngạch. Đối với thị trường chủ lực là Trung Quốc, mục tiêu của công ty cũng chỉ nhắm đến các thành phố lớn, phát triển như: Thượng Hải, Đại Liên… Khi chất lượng hàng hóa đã vào các thị trường này thì cơ hội giữa các đối thủ là ngang nhau và có thể cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ thương hiệu nào, đồng thời không lo bị ép giá.

Năm 2020, HAGL thông qua kế hoạch doanh thu 5.082 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với con số 2.075 tỷ của năm 2019. Nguồn thu chủ yếu đến từ mảng cây ăn trái dự kiến mang lại 4.672 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92% trong cơ cấu doanh thu.

Chuối tiếp tục là sản phảm chủ lực với doanh thu kế hoạch 4.187 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chuối của doanh nghiệp lấy Trung Quốc làm nền tảng, đồng thời từng bước xâm nhập các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu.

Tác giả bài viết: Trung Tín

Nguồn tin: https://vnexpress.net/bau-duc-xuat-chuoi-vao-han-quoc-nhat-ban-4122470.html